Có lẽ xuất phát từ Mayo Clinic, cụm từ patients' needs come first đã được nhắc đến. Nhiều năm trở lại đây, khái niệm này được lặp đi lặp lại với một hình thức khác: đặt bệnh nhân vào trung tâm. Nhưng nếu chúng ta hiểu đặt bệnh nhân vào trung tâm có nghĩa là phải ưu tiên đặt nhu cầu của bệnh nhân lên hàng đầu, có lẽ chúng ta đã chưa hiểu hết ý nghĩa của của cụm từ patient-centered, đặt bệnh nhân vào trung tâm. (Thật ra tôi thích "người dân" hơn là bệnh nhân, vì suy cho cùng, ai cũng có bệnh, nhưng cái ngành y tế chăm lo là người dân)
1/ Chia sẻ quyết định:
Khi chúng ta chỉ dành cho người dân một vài phút khám bệnh, khi chúng ta khó chịu khi phải giải thích đi giải thích lại, khi chúng ta bực mình mỗi lúc họ và gia đình thay đổi quyết định, khi họ phải đi hàng trăm cây số, phải ngồi chờ cả ngày để gặp bác sĩ, khi đó chúng ta vẫn còn tự đặt mình ở vị trí chuyên gia, ở vị trí được quyền giải thích, được quyền quyết định, khi đó chúng ta chưa xem người dân là yếu tố trung tâm. Họ chỉ trở thành nhân tố trung tâm khi họ có quyền quyết định, có quyền hỏi cho kỹ những thông tin mà họ cần biết, họ cần có đủ thông tin, thời gian, và cơ hội để quyết định những gì cần làm trên cơ thể của họ. Khi đó, nhân viên y tế, cho dù ở vị trí nào đi nữa, cũng là người đóng vai trò cung cấp thông tin nhiều nhất có thể được.
2/ Tận dụng các nguồn lực sẵn có
Khi đặt người dân vào trung tâm, có nghĩ là trung tâm của những nguồn lực mà hệ thống y tế sở hữu, nguồn lực đó là bệnh viện, phòng khám, phòng xét nghiệm, phòng vật lí trị liệu, chăm sóc tại nhà, viện dưỡng lão, viện phục hồi chức năng… thậm chí là phòng tập gym, đại khái là tất cả những cơ sở mà người dân có thể cần đến để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của họ. Người dân cần được biết, được thông tin và quyết định xem họ cần sử dụng những nguồn lực nào.
3/ Sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả - tiết kiệm nhất
Nói như vậy không có nghĩa là nhân viên y tế chỉ tung một đống thông tin vào người dân, mà hơn ai hết, hệ thống y tế cần phải cung cấp thông tin một cách rõ ràng, bài bản để họ dễ dàng lựa chọn, ngành y tế phải tự đánh giá, tự hoàn thiện, cải tiến liên tục để có được một bộ máy gọn nhẹ, những qui trình chuẩn để tiết kiệm thời gian, công sức của người dân và của ngành y tế, những biện pháp và cách thức để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nhất nguồn nhân lực, vật lực phục vụ vào việc chăm sóc sức khoẻ.
Tôi hi vọng qua trang blog này, chúng ta sẽ có dịp trao đổi những phương thức nhằm giúp hệ thống y tế thực sự phục vụ người dân, trung tâm của hệ thống.
No comments:
Post a Comment