Thursday, March 13, 2014

TÔN TRỌNG QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA BỆNH NHÂN - MỘT PHẦN Y ĐỨC


- Các bạn sinh viên gặp một trường hợp bệnh "hay", chia sẻ với các bạn khác.
- Các bác sĩ trao đổi với đồng nghiệp về bệnh nhân của mình ở nơi công cộng, thậm chí nhiều khi thấy hay quá còn post lên facebook, lưu trong điện thoại...
- Bạn làm trong bệnh viện, bắt gặp một người hàng xóm tới bệnh viện... và vô tình thuật lại cho một người khác biết...
các bạn đang vi phạm đạo đức nghề nghiệp, còn ở Mỹ, đó là vi phạm pháp luật. 
Gần đây ông Tim Armstrong, CEO của AOL chỉ vì nhắc đến 2 trường hợp mà công ty đã hỗ trợ chi phí y tế (cho dù không công khai tên nhân viên) đã phải lên tiếng xin lỗi trên báo chí, trực tiếp gặp nhân viên đó xin lỗi, và có khả năng bị kiện vì vi phạm luật bảo vệ thông tin của bệnh nhân. Vấn đề bảo vệ quyền lợi riêng tư của bệnh nhân đã được luật hoá bằng HIPAA từ năm 1996, và càng ngày càng nghiêm khắc về phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng, cũng như hình phạt. 
Hãng Rite Aid đã bị kiện chỉ vì in tên bệnh nhân trên lọ thuốc và hãng này phải bỏ ra 1 triệu đô Mỹ hi vọng dàn xếp vụ việc cũng như cam kết thay đổi qui trình phát thuốc của mình. WalGreen cũng đã từng phải bỏ ra 1.44 triệu đô Mỹ vì cáo buộc vi phạm HIPAA. 
Tôn trọng quyền bảo mật thông tin của bệnh nhân là một vấn đề rất lớn và xuất hiện ở mọi ngóc ngách của hệ thống y tế. Dám chắc với các bạn rằng: nếu đi lướt qua đâu đó trong bệnh viện ở Mỹ, các bạn sẽ gặp rất nhiều lần những bảng thông báo: không bao giờ trao đổi thông tin bệnh nhân ở nơi công cộng (như dưới đây)


Rất nhiều lần tôi bắt gặp trên facebook những hình ảnh chụp từ bệnh viện. Trong thời đại kỹ thuật số, tin chắc là rất nhiều Bác sĩ và nhân viên y tế nói chung lưu trong điện thoại của mình những tấm hình chụp được từ bệnh nhân mà chưa được cho phép.
Theo cái "truyền thống" văn hoá làng xóm, thông tin nhằm để chia sẻ, chăm sóc, thăm hỏi lẫn nhau, thì thông tin của bệnh nhân-thân nhân được phát tán một cách rất vô tình, nhiều khi vô tội vạ và rất thiếu trách nhiệm, đôi khi còn trở thành một "công cụ để giao tiếp", thậm chí có nhiều trường hợp còn là thước đo mức độ quan tâm - nếu không muốn nói là: mức độ "uyên bác-cái gì cũng biết".
Tôi biết hầu hết những trường hợp như thế này xuất phát từ "văn hoá", "chia sẻ thông tin để học hỏi", "chia sẻ thông tin để quan tâm", nhưng lần sắp tới đây, khi bạn có ý định
     - post một cái gì đó liên quan đến bệnh nhân,
     - nói một cái gì đó về bệnh nhân ở nơi công cộng,
     - chia sẻ với ai đó thông tin về bệnh nhân của mình,
các bạn vui lòng tự hỏi: người bệnh đó có muốn chia sẻ thông tin đó hay không, và nếu một ngày nào đó, bạn là bệnh nhân, bạn có muốn chia sẻ thông tin đó không?
     - Lần tới, nếu bạn gọi tên đầy đủ của một bệnh nhân ở nơi công cộng, bạn vui lòng nghĩ xem người bệnh đó có muốn mọi người trong gian phòng đó biết hay không?
    - Lần tới, nếu bạn nhắc đến thông tin của bệnh nhân, vui lòng nghĩ xem bệnh nhân có lợi gì không, và họ có cho phép bạn làm vậy không!!! 

Ở VN chắc còn cả trăm năm nữa những người như vậy mới vướng vào pháp luật, nhưng dưới góc độ sự giao tiếp giữa người với người, tôi cho rằng đây là những thông tin tuyệt-mật-rất-cá-nhân-không-chia-sẻ-dưới-mọi-tình-huống. Tôn trọng thông tin cá nhân của bệnh nhân là một phần của bí mật nghề nghiệp, một phần của qui định hành nghề, một phần của Y đức.
Xin nhấn mạnh: tôn trọng bệnh nhân (trong hoàn cảnh nào đó buộc phải chia sẻ cho nhân viên y tế những điều bí mật-riêng tư nhất) và đối xử với họ như những con người, như chính mình hi vọng được đối xử trong hoàn cảnh tương tự, đó mới gọi là Y Đức. 
Những gì thuộc về bệnh nhân, họ phải có khả năng kiểm soát. 

Tham Khảo:

- All about better healthcare - 
 (Nếu bạn thích, hãy cho chúng tôi biết bạn thích và chia sẻ cho bạn bè cùng đọc. Nếu bạn không thích, hãy cho chúng tôi biết chúng tôi có thể làm tốt hơn như thế nào: phamngoctrungmd@gmail.com)

No comments:

Post a Comment