Monday, May 5, 2014

CÓ NÊN ĐEO TAI NGHE KHI PHẪU THUẬT?


Thật thú vị khi nhận được câu hỏi này từ một bạn sinh viên y khoa. Thú vị là vì: đeo tai nghe là điều rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng vì sao các bạn sinh viên lại có thể đặt ngược lại vấn đề như vậy?
- Có nên đeo tai nghe khi phẫu thuật?
- Những lợi ích có thể đạt được?
- Những nguy cơ gì có thể xảy ra?
- Lợi ích có nhiều hơn nguy cơ không?
- Có biện pháp nào vừa đạt được lợi ích mà lại giảm được nguy cơ không?
Tôi hỏi "có nên không" là vì hiện tại chưa thấy qui định chung về kiểm định chất lượng bệnh viện "được" hay "không" đeo tai nghe trong lúc phẫu thuật. Phần quyết định thuộc về bệnh viện: tuỳ thuộc mục tiêu của bệnh viện, cái nhìn của lãnh đạo bệnh viện về việc đeo tai nghe ảnh hưởng như thế nào đến sự an toàn của bệnh nhân. Ví dụ như Hệ thống Christiana Care ở Wilmington, Delaware (với hơn 10,500 nhân viên, tổ chức tư nhân lớn nhất vùng Delaware), họ cấm tuyệt đối điện thoại cá nhân khi đang làm nhiệm vụ (không chỉ khi phẫu thuật). Họ cho rằng vấn đề không phải ở thời lượng cuộc gọi, mà là sự thiếu chuyên nghiệp và tôn trọng khách hàng. Tuy nhiên trường hợp như Christiana Care không phải nhiều. 
Người ta đang tranh cãi và lo lắng những điều gì?
Cám ơn các bạn đã đưa ra những ý kiến rất thiết thực, hầu như đã nói lên đầy đủ những cái lợi - hại khi sử dụng tai nghe khi phẫu thuật.

1/ Lợi:
- đảm bảo liên lạc liên quan đến lâm sàng "nội bộ" bệnh viện: ở đâu thì người bác sĩ cũng đảm nhận nhiều vai trò ngay cả trong lúc đang trực gác. Và điện thoại cá nhân là cái nhanh nhất, tiện lợi nhất mà khoa phòng có thể liên lạc trực tiếp trong trường hợp khẩn cấp, nhất là trong điều kiện trang thiết bị chưa đầy đủ để có thể kết nối nội bộ vào phòng mổ. (tôi lại tự hỏi: tại sao chưa nhỉ? đường dây điện thoại nội bộ bệnh viện vào phòng mổ thật ra đâu có gì khó và tốn kém? phải chăng xuất phát từ "sếp" không thấy lợi ích từ việc đầu tư này?). 
- rất thực tế là nhiều lúc cần hội chẩn trên bàn mổ thì tai nghe rất cần thiết vì giúp nghe dễ dàng hơn, cũng không quá phiền hà nhân viên vòng ngoài, và ảnh hưởng "vùng vô khuẩn". 
- thêm nữa, điện thoại giống như vật bất ly thân khi rất nhiều apps y tế đang được cài vào đó, hỗ trợ cho công việc rất nhiều, nên nhiều khi rất khó cấm đem vào phòng mổ (và nó sẽ reo khi có cuộc gọi tới, và sẽ phiền hà nhân viên vòng ngoài, và dẫn tới: đeo tai nghe cho tiện). 

2/ Hại: 
- bị phân tâm (distraction): đồng ý có những cuộc gọi rất khẩn cấp cần nghe, nhưng đeo tai nghe = buộc phải "lọc tất cả cuộc gọi", mỗi lần lọc là 1 lần đứt quãng luồng suy nghĩ - công việc (interruption) (chưa tính đến những cuộc gọi ảnh hưởng đến mức độ tập trung trong suốt cuộc mổ còn lại).
     * Westbrook và cs làm một nghiên cứu ở bv ở Úc, quan sát 98 y tá chuẩn bị và tiêm tổng cộng 4271 loại thuốc cho 720 bệnh nhân, họ thấy mỗi lần "interruption" làm tăng 12.7% nguy cơ xảy ra sai sót. 
     * Feuerbacher thực hiện quan sát bác sĩ nội trú được hiện phẫu thuật theo mô phỏng (simulated environment), nhận xét sự phân tâm và gián đoạn (distraction & interruptions) trong phòng mổ gây ra sai sót phẫu thuật quan trọng (major error) trong 8/18 trường hợp.
Bạn có thể cho rằng bạn "lọc, nghe, trả lời" rất nhanh, nhưng chỉ có 2-3% dân số có thể multitasking, để cả một hệ thống và tính mạng phụ thuộc vào 98% còn lại có ổn không? Hơn nữa, trong khi bạn "multitasking", có thể cả team của bạn vẫn bị phân tâm. 
- Ảnh hưởng hiệu quả làm việc nhóm: hiển nhiên phẫu thuật là làm việc nhóm, trong đó sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phẫu thuật viên chính - phụ, dụng cụ vòng trong - vòng ngoài... vô cùng quan trọng. Nhiều khi chỉ cần thì thầm, chỉ cần một cử chỉ nhỏ... thậm chí nhiều khi cả ekip chẳng ai ra dấu - nói với nhau lời nào, mà chỉ cần quan sát thao tác của nhau, hiểu biết về diễn tiến cuộc mổ, các thành viên còn lại cũng biết phải làm gì... Nếu bạn đeo tai nghe, có lẽ bạn sẽ không nghe được toàn bộ những gì các thành viên khác nói. Nếu bạn nghe điện thoại hoặc bị phân tâm, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều dấu hiệu mà đáng lẽ ra bạn đã nắm bắt và phối hợp nhịp nhàng. Đồng đội có thể nhắc lại yêu cầu nếu phát hiện bạn chưa nghe, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là: nhiều khi đồng đội của bạn tưởng bạn đã nghe, biết rồi. Xin nhắc lại: phẫu thuật là môi trường đặc biệt cần nhiều thông tin (information-intensive), sự an toàn và thành công phụ thuộc rất nhiều vào tính liên tục của dòng thông tin
- Vô khuẩn: đúng là mọi chuyện đều đã xảy ra. và người ta không lường trước được cho đến khi nó xảy ra. Rớt tai nghe vào phẫu trường là "thảm hoạ" đối với bệnh nhân vì nó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (không phải với bác sĩ, vì bs có nhiều lí do để biện hô cho nhiễm trùng). Tuy nhiên, vấn đề này nhỏ thôi, vì người ta vẫn có thể đeo tai nghe dạng "dính" vào tai. Còn tai nghe bản thân nó không có ảnh hưởng đến vô trùng phòng mổ. (Lưu ý: tai nghe càng "dính" vào tai, khả năng nghe từ môi trường xung quanh càng giảm)
- Vấn đề gây nhiễu: (EMI - Electromagnetic interference) trước đây được nhắc đến nhiều. Cũng có những báo cáo nghiêm trọng như: thiết bị điện tử làm máy thở tự động tắt. Nhưng những thử nghiệm gần đây cho thấy không đến nỗi nghiêm trọng, cộng với những thay đổi về tần số, và thay đổi từ analog sang digital... nguy cơ nhiễu giảm đi nhiều (bạn nào rành về kỹ thuật cho ý kiến thêm nhé) 

3/ Giải pháp: 
Tóm lại, tranh cãi chủ yếu xung quanh cái lợi là giữ liên lạc nội bộ bệnh viện, và cái hại là an toàn - chất lượng cuộc mổ (trong đó 2 nguyên nhân chủ yếu là sự phân tâm và sự phối hợp của ekip). 
- Cám ơn các bạn đã nhắc tới "tôn trọng bệnh nhân", cũng giống như các ngành nghề khác: giáo viên, ca sĩ... tôn trọng "khách hàng" của mình. Thử tưởng tượng bạn là bệnh nhân, bạn sẽ cực kì lo lắng khi bước vào 1 phẫu thuật, bạn sẽ còn lo lắng hơn khi biết bác sĩ bước vào phẫu thuật mà vẫn còn lo lắng cho những điều gì khác hơn là cuộc mổ. Tôi biết các bạn vẫn đang tôn trọng bệnh nhân, các bạn cũng nhận thức được "tai nghe làm cản trở làm việc một cách tốt nhất", nhưng vì hoàn cảnh bất khả kháng nên buộc phải sử dụng. 
- Cám ơn và đánh giá cao giải pháp nhờ nhân viên vòng ngoài lọc cuộc gọi. (American College of Surgeon cũng khuyến cáo để ngoài phòng mổ hoặc để chế độ rung). 
- Một số bạn cũng đề nghị: tuỳ tính chất cuộc mổ (phức tạp, dài-ngắn...). Tôi đồng ý, nhưng hình như giải pháp này chỉ chuyển từ một vấn đề khó phân định sang một vấn đề khác khó phân định hơn: tiêu chuẩn nào? và dù gì thì vấn đề "an toàn và tôn trọng bệnh nhân" vẫn chưa được giải quyết. 
- Cám ơn một ý kiến cho rằng không phải tập trung suốt 100% thời gian cuộc mổ (không có nghĩa là ủng hộ bạn có thể đeo tai nghe suốt cuộc mổ). Người ta khuyến cáo "no-interruption zone" trong những thời điểm quan trọng của cuộc mổ (time-out (lúc xác định các thông tin thiết yếu trước khi mổ), lúc khởi mê, lúc bóc tách quan trọng, lúc xác định và mở dụng cụ cấy ghép, lúc lấy mẫu và đóng gói mẫu, lúc kiểm tra chuẩn bị kết thúc cuộc mổ).
- Thêm một khuyến cáo nữa: Khi có bất kì interruption nào, khi trở lại, người phẫu thuật viên phải hỏi ekip: "chúng ta dừng ở đâu" và "chúng ta sẽ bắt đầu làm gì tiếp"


- All about better healthcare - 
 (Share nếu bạn thích, và mong bạn góp ý để chúng tôi có thể làm tốt hơn: phamngoctrungmd@gmail.com)

No comments:

Post a Comment