Ngoài những tai biến và "vụ án", quá tải bệnh viện luôn là vấn đề được nhắc đến trong bất kì "kì họp, hội nghị, nghị quyết…" nào. Trong một thời gian khá dài, tôi cố gắng điểm qua những việc mà ngành y tế đã làm để cải thiện vấn đề "quá tải", mà thật lòng chưa tìm thấy những thay đổi rõ rệt, hoặc ít ra là những biện pháp rõ rệt. Có vẻ mọi nỗ lực, mọi ý kiến, mọi giải pháp đều được đề nghị xung quanh việc: "xây thêm bệnh viện". Có đại biểu còn phát biểu trước quốc hội: "… có phải đất nước ta quá nghèo nên không có tiền để xây bệnh viện đủ chỗ cho bệnh nhân nằm…", và rất nhiều đề nghị trích thêm tiền ngân sách ra để xây thêm bệnh viện. Tôi nghĩ rằng trước khi xây thêm bệnh viện, có lẽ chúng ta cần phân tích: có thật là quá tải không? Và quá tải ở đâu?
1/ Quá tải là gì?
Nếu định nghĩa "quá tải" có nghĩa là: rất nhiều người đang tập trung ở một địa điểm nào đó… rõ ràng chúng ta đang quá tải ở một số bệnh viện: 2,3 người/giường, nhiều người phải trải chiếu nằm dưới đất. Tuy nhiên, xin đừng nhìn vào "1 vài bệnh viện" để nói cả hệ thống bị quá tải. Các bạn thử làm khảo sát ở khoảng 10 bệnh viện trong 1 thành phố, một địa phương, kể cả ở những thành phố lớn, có lẽ sẽ có một cái nhìn khác. Có nhiều bệnh viện khác, có nhiều cơ sở y tế khác đang "thèm khát" bệnh nhân, mỗi ngày trôi qua vẫn đang tiêu tốn một khối lượng lớn tiền nhà nước vì duy trì hoạt động kém hiệu quả của mình.
2/ Hiệu quả của bệnh viện?
Ngoài ra, chúng ta cần xem xét: những người đang tập trung ở một vài bệnh viện mà chúng ta gọi là "quá tải" đó, họ đang làm gì?
Họ cần gì ở nơi đó?
Có thật là họ đang tìm kiếm dịch vụ y tế mà chỉ có bệnh viện mới cung cấp không?
Bao nhiêu người trong số họ cần bệnh viện như là một "nhà nghỉ"? để chờ đến lượt phẫu thuật chẳng hạn…
Bao nhiêu người trong số họ cần một cơ sở chăm sóc y tế khác hơn, làm những việc đơn giản hơn, ít tốn kém đầu tư về cơ sở vật chất hơn, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của bộ phận bệnh nhân này?
Bao nhiêu người trong số họ chỉ cần đến để tư vấn, để cấp phát thuốc, để chăm sóc vết thương, để theo dõi hậu phẫu, để theo dõi bệnh mạn tính… mà bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.
Bao nhiêu người trong số họ nằm dai dẳng ở bệnh viện ngày này qua ngày khác mà không sử dụng quá nhiều chăm sóc, chuyên môn, giá trị thực chất mà bệnh viện đem lại…
Chúng ta cần xem lại giá trị của bệnh viện (cả về nhân lực, tiền lực và trang thiết bị) và chúng ta đang sử dụng giá trị đó có thật sự hiệu quả???
Họ cần gì ở nơi đó?
Có thật là họ đang tìm kiếm dịch vụ y tế mà chỉ có bệnh viện mới cung cấp không?
Bao nhiêu người trong số họ cần bệnh viện như là một "nhà nghỉ"? để chờ đến lượt phẫu thuật chẳng hạn…
Bao nhiêu người trong số họ cần một cơ sở chăm sóc y tế khác hơn, làm những việc đơn giản hơn, ít tốn kém đầu tư về cơ sở vật chất hơn, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của bộ phận bệnh nhân này?
Bao nhiêu người trong số họ chỉ cần đến để tư vấn, để cấp phát thuốc, để chăm sóc vết thương, để theo dõi hậu phẫu, để theo dõi bệnh mạn tính… mà bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.
Bao nhiêu người trong số họ nằm dai dẳng ở bệnh viện ngày này qua ngày khác mà không sử dụng quá nhiều chăm sóc, chuyên môn, giá trị thực chất mà bệnh viện đem lại…
Chúng ta cần xem lại giá trị của bệnh viện (cả về nhân lực, tiền lực và trang thiết bị) và chúng ta đang sử dụng giá trị đó có thật sự hiệu quả???
3/ Đầu tư 10 đồng chỉ sử dụng 1 đồng:
Bệnh viện nên được xem là nơi cung cấp dịch vụ cấp bách tối cần thiết, bởi vì những đầu tư ban đầu rất cao và cần được sử dụng hiệu quả nhất, còn những việc ít cấp bách hơn nên được thực hiện ở cơ sở ít tối tân hơn, cần ít theo dõi, ít chuyên sâu hơn. Tiếc rằng hệ thống y tế của chúng ta hiện tại thiếu sự liên tục, chuyển tiếp từ cấp bách (acute-care) sang ít cấp bách (sub-acute care) và lâu dài (long-term care), do đó có một điều nghịch lý của một nước còn nghèo là: đầu tư 10 đồng mà chỉ sử dụng 1 đồng, vì 10 đồng đầu tư vào bệnh viện đã có 9 đồng sử dụng không đúng mục đích hoặc không hiệu quả. Khi sử dụng không đúng mục đích, chất lượng sẽ không được đảm bảo. Do đó, càng xây dựng bệnh viện, chúng ta càng lỗ và chất lượng thì càng đi xuống. Thay vì vậy, thử nghĩ xem có nên sử dụng 9 đồng còn lại vào đúng những gì mà người dân đang cần.
4/ Bệnh viện dưới góc nhìn rộng hơn:
Bệnh viện không tồn tại biệt lập trong hệ thống y tế. Khi có quá nhiều bệnh nhân ứ tại một bệnh viện (mà chúng ta gọi là quá tải), khả năng là do những cơ sở tuyến trước không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc những cơ sở tuyến sau không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc những cơ sở hỗ trợ không hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ trước khi quyết định xây thêm bệnh viện, cần xem xét lại cái qui trình, trách nhiệm, năng suất, sự liên kết… của các thành phần trong hệ thống y tế.
Tôi muốn trả lời vị đại biểu quốc hội ở trên là: Đúng, nước ta còn nghèo, không có tiền để đầu tư mà không thật sự hiệu quả. 1/ Nếu bỏ tiền ra xây bệnh viện, rõ ràng chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư khác. 2/ Với cách sử dụng tiền và đầu tư như hiện tại, chúng ta đang quá lãng phí, mà không đạt được mục đích tối thiểu! Bên cạnh nhiều vấn đề khác: nhân lực, phương pháp quản lý, bảo hộ và độc quyền…, miền đất hứa để phát triển không phải là "tiền", mà là "hiệu quả tối đa".
- All about better healthcare -
No comments:
Post a Comment