Wednesday, August 7, 2013

CÁI GIÁ CỦA "LƯƠNG BÁC SĨ THẤP"

     Có lẽ không ai phủ nhận là lương bác sĩ hiện tại quá thấp so với thời gian họ được đào tạo, so với thời gian họ làm việc, và so với những gì xã hội mong đợi ở công việc mang tính tinh tế, sự kết hợp hoàn hảo kỹ thuật, xã hội, học thuật, liên quan đến tính mạng con người. Rõ ràng là việc định giá trị công việc của bác sĩ (thể hiện ở lương, thù lao, phúc lợi, ưu đãi…) dẫn đễn nhiều bất cập, nếu không nói là dẫn đến lãng phí của cả xã hội, suy thoái nguồn nhân lực xã hội, và nhiều tác hại lớn khác đã được nhận thấy và chưa nhận thấy.
     Trước tiên, tôi muốn nhắc lại vai trò của tiền và giá trị. Rõ ràng lương là một cách định giá trị công việc, nhưng vai trò của lương/ tiền còn nhiều hơn như vậy, bởi nó cho biết nhiều thông tin hơn ở những khâu trước và sau trong chuỗi hoạt động của xã hội. Tưởng tượng rằng việc định giá một miếng thịt heo như thế nào cho thấy mối liên hệ vô cùng chặt chẽ giữa nguồn sản xuất thịt: chất lượng nguồn thịt heo, chất lượng qui trình nuôi và xử lý thịt heo, chất lượng công tác vận chuyển thịt heo… cũng như nguồn tiêu thụ thịt heo: cách tiêu thụ, cách chế biến, cách tích trữ… Rõ ràng là: khi nguồn thịt heo khan hiếm, tự nhiên nó sẽ thể hiện ở giá cả, và tự nhiên người tiêu dùng sẽ hiểu (thông qua giá cả) để điều chỉnh cách tiêu thụ của mình. Hoặc mối liên hệ cũng có thể diễn ra theo chiều ngược lại. Như vậy, vai trò của giá cả rõ ràng là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin ở một góc nhìn lớn hơn: thị trường. 
     Thử tưởng tượng một lúc nào đó, giá kim cương được định giá 100.000/ carat, người ta sẽ làm gì với nó: người sử dụng sử dụng làm dao cắt thức ăn, người sản xuất không thèm sản xuất… tình huống tương tự đang xảy ra với nhân lực y tế. Chúng ta đang sử dụng bác sĩ, những người mà chúng ta mong đợi được đào tạo bài bản chăm lo những việc hết sức giá trị của xã hội vào những việc thượng vàng hạ cám, đánh đồng nhiều cấp độ bác sĩ với nhau, nguyên nhân là vì chúng ta định giá mọi bác sĩ giống nhau, hơn nữa là: thấp giống nhau. Thử hình dung nếu bác sĩ ra trường 10 năm lương 20 triệu cao hơn bác sĩ mới ra trường, hoặc là bác sĩ lương cao hơn nhiều so với những ngành nghề khác, rõ ràng khi đó chúng ta sẽ phải thiết kế lại, chọn lựa những công việc thật sự cần đến bác sĩ mới ra trường, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, hay chỉ cần thư kí y khoa, hay tình nguyện viên, hay một ai đó làm việc gì cũng được. Rõ ràng chúng ta đang xem nhẹ vai trò của giá cả khi định giá trị như hiện tại. 
     Quan trọng hơn, việc định giá như hiện tại làm che mờ hết thông tin thị trường: người sản xuất, đào tạo không thiết tha sản xuất, không thiết tha chất lượng sản phẩm, người sử dụng sử dụng bừa bãi, sản phẩm hay dịch vụ cung cấp không có động lực thay đổi. Thực tế đã cho thấy: chúng ta đang không cần thay đổi hay cải tiến, không cần biết sản phẩm tạo ra như thế nào, không có khái niệm sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đang có. Thử nghĩ xem nếu giá trị 24 giờ trực của bác sĩ là 1 triệu đồng, chứ không phải 50,000 như hiện tại, thì chúng ta cần phải tính toán xem trực gác thế nào để vừa đảm bảo an toàn, mà lại vừa tiết kiệm. Đó mới là động lực để cải tiến. Nếu một ca mổ ruột thừa là 2 triệu đồng chứ không phải là 20,000 như hiện tại, chúng ta sẽ có động lực rất lớn để tự nâng cao tay nghề, cũng như có hệ thống đào tạo và kiểm soát rất rõ ràng. Thử nghĩ xem nếu tiền phòng nằm viện là 1,000,000 đồng một ngày chứ không phải 20,000 một ngày như hiện tại, người dân + bác sĩ sẽ phải suy nghĩ xem có nên nằm viện hay chỉ cần tìm nhà nghỉ, hoặc về nhà chờ trong thời gian chờ phẫu thuật. Hệ thống y tế cũng sẽ sáng tạo ra nhiều hình thức, cơ sở vật chất có chi phí phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Chính vì chi phí nằm việc quá rẻ nên bệnh viện quá tải, đơn giản vì tại sao người ta phải sử dụng cơ sở vật chất kém ở huyện với giá bằng với cơ sơ vật chất hiện đại cho dù họ chẳng cần đến cơ sở hiện đại. Vấn đề mà chúng ta dường như chưa để ý: cái quá tải ở bệnh viện làm lãng phí và xói mòn tất cả nguồn lực khác: bác sĩ, y tá vẫn phải khám những trường hợp không cần thiết, nhân viên vệ sinh vẫn phải dọn dẹp không cần thiết, bảo vệ phải làm việc không cần thiết. Khi nguồn lực (có hạn) được dùng vào những việc không cần thiết, thì một là nó bị xói mòn, hai là những việc-trường hợp cần thiết lại không được chăm sóc. 
     Hậu quả rõ ràng mà chúng ta đang thấy: nguồn nhân lực bị trơ hóa, bị mài mòn sức lực và tinh thần. Chúng ta quên mất: dù kim cương có thể cắt thịt heo, nhưng một là quá lãng phí, hai là lâu dần kim cương cũng mòn, mà lại thịt heo thì chỉ cần dao thường cũng đủ. 
     Hậu quả mà có thể chúng ta chưa thấy là: nguồn lực mà chúng ta mong đợi sẽ làm việc trở thành nguồn lực trơ, không làm việc, thậm chí là chuyển sang làm những việc khác có lợi hơn cho họ, có lợi hơn xã hội ở một góc khác, nhưng rõ ràng là xã hội đã lãng phí quá nhiều: sản xuất ra 10 chỉ sử dụng được 1. 
    Hậu quả thậm chí còn gây tổn thất rất nhiều tài sản xã hội: tai biến, biến chứng, thuốc men, trang thiết bị, sức khoẻ và nhân lực ngành nghề khác, thời gian và hiệu quả của ngành nghề khác… và rất nhiều nhiều những lãng phí do việc nhìn nhận và sử dụng không đúng giá trị, đặc biệt là giá trị của nguồn lực có ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội như nguồn lực y tế. 

     Chúng ta tưởng tiết kiệm một lượng lớn tiền lương, tưởng giúp cho những người chưa đủ tiền được chăm sóc y tế, thực tế cả xã hội chưa được chăm sóc tốt nếu nhân lực y tế và nguồn lực khác bị xói mòn, trong khi lãng phí một số lớn tiền của hơn như vậy rất nhiều. Quan trọng là, chúng ta bỏ qua mọi cơ hội tiết kiệm, cải tiến, hoàn thiện, động lực và nguồn lực có thể giúp chúng ta sánh vai với các nước phát triển.
     Chúng ta luôn có cơ hội để vươn lên, chỉ phụ thuộc vào cách chúng ta dang rộng tay nhìn ra thế giới như thế nào. 

No comments:

Post a Comment