Có nhiều đồng nghiệp bác sĩ than phiền bệnh nhân không hợp tác, nhiều đồng nghiệp giảng viên than phiền sinh viên bây giờ kém cầu tiến và học hỏi... hình như họ quên hoặc chưa nghĩ tới: ai mới là trung tâm, và làm sao để bệnh nhân/sinh viên là trung tâm?
Tôi công tác cùng một lúc trong 2 lĩnh vực: y tế và giáo dục, và tôi nhận thấy 2 lĩnh vực này có một điểm giống nhau: người cung cấp dịch vụ luôn cho rằng mình biết cần phải làm gì, và luôn hạ thấp vai trò của người nhận dịch vụ.
1/ Giáo dục: có giảng viên than phiền cho dù bạn ấy đã cố gắng cung cấp những điều kiện thuận lợi cho sinh viên, nhưng sinh viên vẫn thờ ơ. Giảng viên chúng ta lại kết luận sinh viên ngày nay chỉ biết ngồi mát ăn bát vàng, chỉ muốn học ít mà được điểm cao (hình như quy luật phát triển của xã hội là: luôn phải tìm cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất để làm một việc cụ thể), chúng ta dường như quên mất là: những gì chúng ta nghĩ là tốt cho sinh viên hình như xuất phát từ nhận định "bản thân", mà chưa bao giờ hỏi sinh viên: họ cần gì? Có giảng viên còn đưa ra ví dụ bao nhiêu sinh viên bị chấm rớt trong đợt thực tập gần đây để minh chứng cho sự lười biếng của sinh viên. Tôi không biết sinh viên có lười không? nhưng tôi luôn cảm thấy bất hợp lí khi giảng viên tự cho mình cái quyền đánh giá rất cảm tính. Chấm rớt một sinh viên nên được xem là sự thất bại của cả 2 phía.
- Có bao giờ chúng ta suy nghĩ mục tiêu đào tạo có phù hợp với thực tế? làm sao để phù hợp với xã hội? xã hội đang cần gì? Chỉ cần nhìn vào bộ giáo trình không khác mấy so với nhiều nhièu năm về trước có thể nói lên một phần nào sự xa rời thực tế và kém thay đổi. Cần nhớ là: xã hội, bệnh viện... là một khách hàng của trường đại học.
- Có bao giờ chúng ta thử nghĩ về mục tiêu của một đợt thực tập là gì? cách lượng giá như thế nào - có rõ ràng không, có khả năng định hướng sinh viên hoàn thành mục tiêu đào tạo không? Cách lượng giá sẽ ảnh hưởng đến cách học. Nếu cách lượng giá không rõ ràng, hoặc không có khả năng định hướng để sinh viên học, vậy lỗi ở đâu? Lượng giá một sinh viên cần một quá trình chứ không phải chỉ dựa vào một bài kiểm tra cuối kì. Thử nghĩ cả một quá trình đó, giảng viên đã theo dõi - giúp đỡ - nhắc nhở như thế nào?
- Tôi không có ý "chê", mà ngược lại tôi đánh giá cao những đam mê muốn truyền đạt của lực lượng giảng viên, tôi chỉ muốn nêu vấn đề của 3 điểm "nhu cầu xã hội - mục tiêu đào tạo - phương pháp lượng giá" hình như chưa có một tiếng nói chung. Phương pháp lượng giá phải có khả năng định hướng đạt mục tiêu, và mục tiêu phải sát với nhu cầu của người nhận dịch vụ.
- Một thời gian rất dài và mọi ý kiến "trưng cầu sinh viên ý" đều thất bại, nguyên nhân lớn nhất có lẽ là sự tự ái từ giảng viên, không muốn để sinh viên đánh giá giảng viên hoặc góp ý kiến về chương trình giảng dạy. Vậy họ dựa vào đâu để thay đổi và cải tiến?
2/ Y tế:
Cũng tương tự như vậy, các bác sĩ mà nghe bệnh nhân đóng góp ý kiến là làm mình làm mảy lên, mà họ quên mất: ai là người chịu trách nhiệm và nhận hậu quả của trình độ và chất lượng dịch vụ y tế? Họ quên mất là: chính bệnh nhân mới là người hiểu về cơ thể của mình nhất, và cũng là người mong mỏi những tiến bộ của ngành Y nhất. Ai vào ngành Y cũng được dạy: phải xem bệnh nhân là thầy của mình, nhưng hình như họ chỉ rêu rao vậy thôi, hoặc chỉ xem như vậy lúc nhờ vả thời còn là sinh viên. Có chuyện vui rằng bác sĩ được tuyên dương vì những thành công của một liệu pháp điều trị, nhưng lại cố tình lảng tránh người bệnh trong công trình đó của ông đang chịu tai biến vì những gì "công trình được tuyên dương" đó gây ra. Đó là chuyện vui tàn nhẫn. Bệnh nhân không chỉ là thầy, mà còn là người có ý kiến quan trọng nhất cho bất kì can thiệp gì trên cơ thể họ. Các bác sĩ cho dù có uyên bác cùng rất nhiều học hàm học vị, cũng chỉ nên cố gắng truyền đạt kiến thức của mình để bệnh nhân có thể quyết định, chứ không nên áp đặt quyết định của mình cho bệnh nhân, và xin cũng đừng tự ái nếu bệnh nhân tỏ vẻ chưa vừa ý, bởi vì ý kiến của bệnh nhân là tấm gương phản ảnh sự thật về những gì mà họ nhận được.
Nhìn loanh quanh các lĩnh vực khác, nơi nào chưa phát triển được, hình như cũng vướng vào cái "tự ái", hoặc là "tự cao" và "độc quyền" của người cung cấp dịch vụ.
- All about better healthcare -
(Share nếu bạn thích, và mong bạn góp ý để chúng tôi có thể làm tốt hơn: phamngoctrungmd@gmail.com)
No comments:
Post a Comment