Không biết từ khi nào, phong trào nghiên cứu nở rộ ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách trong bệnh viện. Điều dưỡng xôn xao bàn tán với nhau về nghiên cứu khoa học. Nói vậy mà không phải vậy, phong trào nghiên cứu khoa học đã sớm trở về đúng nghĩa "phong trào" của nó. Người người, nhà nhà làm những tờ giấy "đề cương nghiên cứu" với nội dung sáo rỗng và chưa có hiệu quả gì rõ rệt. Vấn đề đặt ra là: vai trò của điều dưỡng ở đâu trong cái gọi là "nghiên cứu".
1/ Vai trò và lĩnh vực:
Tôi đã từng "đả phá" cái "phong trào" điều dưỡng làm nghiên cứu, vì cho rằng có rất nhiều thứ không phù hợp.
Thứ nhất: đến bác sĩ ra trường được học một số môn về phương pháp làm nghiên cứu, thậm chí có nhiều người đã thật sự làm nghiên cứu mà vẫn rất chật vật để làm được một nghiên cứu có ý nghĩa, cá nhân tôi vẫn thấy có nhiều thứ rất không ổn với nghiên cứu y khoa của bác sĩ trong nước, vậy thì với số vốn kiến thức về nghiên cứu có hạn của giới điều dưỡng làm sao có thể bắt họ làm nghiên cứu. Hậu quả là trong khoa tôi làm việc, lâu lâu lại ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với họ và nghe họ than phiền. Thật ra cũng có những cá nhân mong muốn làm thật sự (để không cảm thấy có lỗi với ban giám đốc) và đề nghị tôi giúp họ, nhưng tôi loay hoay mãi cũng không tìm ra cách nào giúp họ từ những kiến thức, cái nhìn đủ để tạo nên một đề tài hợp lý, đến phương pháp, cách lấy số liệu, cách phân tích và báo cáo.
Thứ hai: ngay cả giới bác sĩ có rất nhiều động lực để bắt đầu làm một nghiên cứu thì chúng ta vẫn thấy hầu như rất rất ít nghiên cứu được tiến hành. Trong 3 khoa tôi làm việc suốt thời gian từ lúc ra trường, chưa bao giờ thấy một nghiên cứu nào không xuất phát từ "đề tài để ra trường". Vậy thì điều gì thúc đẩy điều dưỡng làm nghiên cứu?
Hai điều trên đã dẫn đến hậu quả là: chương trình quốc gia ấy cũng trở thành phong trào như những chương trình khác, lại vẫn tốn tiền, tốn thời gian, tốn công sức mà chẳng có hiệu quả gì.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận là: điều dưỡng có vị trí riêng của họ, có mối quan tâm riêng của họ mà nhiều khi giới bác sĩ (thông thường là những người quản lý họ) không hiểu được, do đó định hướng họ sai mục đích. Trong bài này, tôi xin bày tỏ quan điểm của mình là: điều dưỡng là cánh tay đắc lực trong sự phát triển của y tế, một nguồn lực mà chúng ta bỏ quên, và chưa biết cách sử dụng.
- Góc nhìn của điều dưỡng không phải ở chỗ chẩn đoán và điều trị, mà góc nhìn của họ là: làm sao mang lại cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất, bởi họ là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, bởi họ là người nối liền bệnh nhân với các nguồn lực còn lại của hệ thống y tế (kể cả bác sĩ), bởi họ là người quan tâm đến những cảm giác của bệnh nhân. Dưới góc nhìn của họ, họ quan tâm đến sự đau đớn, sự thiếu tiện nghi, vệ sinh, tiếng ồn, các qui trình phù hợp, các hoàn cảnh bệnh nhân, các dụng cụ y tế, các phương pháp chăm sóc v.v... và sự tiến triển lành bệnh của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố này.
- Dưới góc nhìn của những người quản lý xem bệnh nhân là những khách hàng, khi đó điều dưỡng là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, là người hiểu họ cần gì, nếu nói theo hướng marketing, họ hoàn toàn có thể là những người nghiên cứu thị trường, và họ cũng là những "người bán hàng" cho thương hiệu của bệnh viện một cách hiệu quả nhất (đương nhiên cũng là người "phá" thương hiệu bệnh viện hiệu quả nhất).
- Dưới góc nhìn của những người quản lý quan tâm đến cải thiện chất lượng chăm sóc và qui trình trong bệnh viện, điều dưỡng rõ ràng là người hiểu sự chăm sóc và qui trình hơn ai hết, bởi họ có những trăn trở với những gì đang xảy ra hằng ngày với họ.
- Dưới góc nhìn của người quản lý quan tâm đến mối quan hệ trong bệnh viện, điều dưỡng là một phần không thể tách rời của bệnh viện, giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối con người, nguồn lực, cũng như là những người hiểu về hoạt động của bệnh viện hơn ai hết.
2/ Vấn đề là làm thế nào?
Chúng ta phải nhìn nhận những khó khăn nhất định khi sử dụng và kích thích điều dưỡng làm nghiên cứu, để từ đó tìm ra cách có thể làm nguồn lực này bùng nổ.
- Lĩnh vực: rõ ràng là họ (điều dưỡng) đang rất băn khoăn là họ có thể làm được gì với nghiên cứu. Những nhà quản lý phải là những người vẽ ra cho họ cái bức tranh lớn hơn, chỉ cho họ biết mảnh đất vô cùng màu mỡ và những lợi ích vô cùng lớn với sự giúp sức của họ. Những mảnh đất này, cùng với chiến lược của bệnh viện, có thể sẽ không quá lời nếu xem họ là nguồn lực có thể tạo ra thay đổi lớn.
- Nhìn nhận sự hạn chế của kiến thức và kĩ năng làm nghiên cứu không có nghĩa là chúng ta bỏ qua, mà ngược lại phải tạo ra một nguồn lực có thể giúp họ tìm đến, có thể trang bị cho họ những kiến thức cần thiết, thậm chí có thể giúp họ trong những khâu nhất định…. trừ khi chúng ta không cho rằng họ là những người có thể thay đổi hệ thống y tế.
- Ở một tương lai xa hơn, họ cần được trang bị những kiến thức về quản lý, cần được trang bị một góc nhìn rộng hơn, sâu hơn để có thể phát huy được vai trò với vị trí đặc biệt quan trọng của mình trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Tham khảo thêm:
http://www.nursingtimes.net
Nurse Managed Health Center
Nurses' lives: the oral history of nurses
Research in Nursing and Health
Tham khảo thêm:
http://www.nursingtimes.net
Nurse Managed Health Center
Nurses' lives: the oral history of nurses
Research in Nursing and Health
No comments:
Post a Comment