Friday, November 29, 2013

QUÁ TẢI BỆNH VIỆN: THẬT SAO?


Ngoài những tai biến và "vụ án", quá tải bệnh viện luôn là vấn đề được nhắc đến trong bất kì "kì họp, hội nghị, nghị quyết…" nào. Trong một thời gian khá dài, tôi cố gắng điểm qua những việc mà ngành y tế đã làm để cải thiện vấn đề "quá tải", mà thật lòng chưa tìm thấy những thay đổi rõ rệt, hoặc ít ra là những biện pháp rõ rệt. Có vẻ mọi nỗ lực, mọi ý kiến, mọi giải pháp đều được đề nghị xung quanh việc: "xây thêm bệnh viện". Có đại biểu còn phát biểu trước quốc hội: "… có phải đất nước ta quá nghèo nên không có tiền để xây bệnh viện đủ chỗ cho bệnh nhân nằm…", và rất nhiều đề nghị trích thêm tiền ngân sách ra để xây thêm bệnh viện. Tôi nghĩ rằng trước khi xây thêm bệnh viện, có lẽ chúng ta cần phân tích: có thật là quá tải không? Và quá tải ở đâu?

Tuesday, November 19, 2013

TIÊU CHUẨN LEED TRONG THIẾT KẾ TOÀ NHÀ


Bên cạnh những loại toà nhà khác, bệnh viện là một trong những kiến trúc rất cần được quan tâm đặc biệt, không chỉ bởi vì sự hoạt động liên tục với cường độ cao, tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như xả chất thải ra môi trường, mà còn vì chất lượng môi trường bên trong toà nhà ảnh hưởng rất nhiều đến những con người và những cơ thể cần được chăm sóc để hồi phục hơn lúc nào hết. Tiêu chuẩn LEED trong thiết kế toà nhà chú trọng xây dựng những toà nhà thân thiện với môi trường, trong đó có các thiết bị giúp sử dụng nước một cách hiệu quả, các thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm chất thải. Tiêu chuẩn LEED còn quan tâm đến chất lượng không khí bên trong toà nhà, thiết kế tận dụng ánh sáng mặt trời và cảnh quan thiên nhiên. 

Tiêu chuẩn LEED không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bệnh viện, mà được ứng dụng cho các toà nhà thông dụng khác, nhưng vì tính chất quan trọng và cần thiết của không khí, môi trường, cảnh quan và tác dụng lớn đến sự hồi phục của người bệnh, tôi cho rằng thiết kế trong bệnh viện cần được áp dụng những tiêu chuẩn này hơn bao giờ hết.

ÁNH SÁNG, ÂM NHẠC TRONG PHÒNG BỆNH


Tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này, chẳng mấy quan tâm đến vai trò của ánh sáng, cho dù ở trong bệnh viện phần lớn thời gian trong hơn 10 năm gần đây. Đến khi vào tham quan các bệnh viện như MGH, Tufts... đặc biệt là vào các phòng ICUs (Intensive Care Units), tôi thật sự giật mình nhận ra: mình đã quá lạc hậu, quá chú trọng đến cái "bệnh và điều trị" mà hầu như quên mất phần con người và sinh lý. Tôi dường như mặc định ở phòng ICU lúc nào cũng mở đèn, mà quên mất người bệnh cần hơn ai hết cái chu kì ánh sáng để đưa họ trở lại hoạt động bình thường để nhanh phục hồi sau những đợt trị liệu. 
Trong phòng ICUs thậm chí còn được cách âm, có nhạc nhè nhẹ và vách kính nhìn ra vườn. Ở ICUs tại MGH nằm trên cao thì được nhìn toàn cảnh Charles River thơ mộng. 
Tất cả những điều này chỉ nhằm một mục đích: patient experience and healing process. 
- All about better healthcare - 

XU HƯỚNG CỦA CHĂM SÓC Y TẾ TRONG TƯƠNG LAI

Trong thăm dò ý kiến của các CEO, nhà thiết kế, nhà quản trị, tư vấn các bệnh viện và cơ sở y tế về xu hướng của chăm sóc y tế trong tương lai, nổi bật nhất là những quan tâm về kinh tế y tế, phương thức chăm sóc và xây dựng kiến trúc trong các cơ sở y tế, hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin, y học chứng cứ và đặt bệnh nhân vào trung tâm. 
Tham khảo thêm 10 xu hướng trong tương lai: 
Leading-way-10-trends-shaping-future-healthcare

BOTTLENECK, CHỜ VÀ BỆNH VIỆN


Dường như vấn đề "chờ" đã trở nên quá quen thuộc ở bệnh viện. Nhiều người dành hẳn 1 ngày chỉ để đi khám bệnh, tái khám, tham vấn bác sĩ ở bệnh viện. Không chỉ riêng người dân "chờ", mà nhân viên y tế cũng "chờ". Bác sĩ chờ phòng mổ, chờ tiếp liệu, chờ dọn phòng, chờ chuyển bệnh, chờ lấy phim ảnh... và chờ vô số thứ khác. Như một thói quen khi nói đến làm sao để giải quyết chờ: tăng số lượng bác sĩ - điều dưỡng - và nhân viên y tế khác, tăng số lượng bệnh viện, tăng đầu tư y tế... nhưng bản chất của "chờ" nằm ở chỗ khác...

Saturday, November 16, 2013

BÁC SĨ NỘI TRÚ KHÔNG PHẢI LÀ... NÔ LỆ

Ai đã trải qua thời làm nội trú chắc không ít lần bị chì chiết, sỉ vả và bị nhồi nhét vô đầu "bác sĩ nội trú phải làm việc như nô lệ". Lúc tôi làm nội trú Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch đã qua rồi cái thời bác sĩ nội trú phải (hoặc là được) ở lại bệnh viện 24/7, đơn giản vì bệnh viện không còn phòng cho bs nội trú nữa. Tôi không phải lang thang lờ đờ như những con ma bất cứ khi nào có ca cấp cứu, có bệnh trở liên quan đến chuyên khoa của mình, ở khoa này hay khoa khác. Nhưng tôi vẫn "được" đối xử như là "nô lệ". Tôi vẫn phải trực 2 đến 3 lần/1 tuần. Trong 24 giờ trực đó, tôi đi khắp bệnh viện mỗi lần có điện thoại, chuyện nhỏ thì tự giải quyết, chuyện lớn thì gọi đàn anh, và đương nhiên lúc nào cũng phải có mặt tại "hiện trường", cho dù hiện trường đó là phòng cấp cứu hay phòng mổ, hay bất kì khoa nào khác. Hầu như đi trực là không có giờ ngủ đâu, nên tranh thủ chợp mắt được lúc nào là ngủ lúc đó, nằm được ở đâu là ngủ ở đó thôi. 7h sáng, người khác ra trực, còn nội trú thì ở lại phụ mổ tiếp những ca trong ngày. Dường như đã là luật: nội trú không ra trực (nghỉ ngày hôm sau trực). Thành thật mà nói, tôi vô cùng cảm ơn những tháng ngày nội trú, và nếu được làm lại, nếu được cho ai đó lời khuyên, tôi vẫn nói rằng: nếu muốn thành công trong nghề Y, hãy vào nội trú. Vì đó là chiến trường, đó là lò luyện công, ở đó bạn không có lựa chọn khác là làm và làm, là bật dậy như người máy mỗi khi nghe tiếng điện thoại, là đi như người ngủ mơ trong bệnh viện, là luôn có mặt ở tất cả mọi nơi. Ở đó, bạn không thể dừng lại! 
Tuy nhiên, nếu được đứng ở vị trí người quản lý, tôi cho rằng chúng ta đang làm những điều ngược đời. 

Monday, November 11, 2013

LỖI HỆ THỐNG TRONG Y TẾ

Lúc còn đi học và đi làm ở bệnh viện, cứ mỗi lần xảy ra “vụ án” là mọi người lại lắc đầu nói: lỗi hệ thống. Dường như đó là cái từ để chỉ việc mà không ai muốn đụng tới, không ai muốn sửa, bởi đơn thuần nếu sửa thì phải sửa cả hệ thống! Có người cho rằng đó là cái lỗi của một hệ điều hành lỗi thời không đáp ứng được sự phát triển của phần mềm chạy trên đó. Tất cả những “định nghĩa" trên đều có ý nghĩa riêng, nhưng tôi lại nhìn lỗi hệ thống ở một góc khác: không liên quan nhiều đến sự chênh lệch hệ điều hành, phần cứng và phần mềm, chỉ là những những vật cản sự hoạt động đều đặn và mạnh mẽ của hệ thống. Do đó, lỗi này phải được sửa chữa ngay từ nơi nó xuất hiện, chứ không phải đợi phải thay đổi cả hệ thống đó. Một hệ thống tốt không phải là hệ thống không có lỗi, mà là hệ thống có thể phát hiện được lỗi sớm và sửa chữa lỗi...